Ông Phùng Hà - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương)- cho biết, hội thảo này là cơ hội để cơ quan quản lý cùng với DN tìm tiếng nói chung nhằm giải quyết những khó khăn đang tồn đọng. Nếu vướng mắc ở khâu thủ tục hành chính cấp phép, đăng ký xuất nhập khẩu hay vận chuyển hàng hóa, lưu kho thì cùng nhau tháo gỡ ngay, trên tinh thần ưu tiên cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng hóa chất của Việt Nam chỉ đạt 216,6 triệu USD, nhưng kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng này lên tới 1,4 tỷ USD, tăng 10,51% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường chính Việt Nam nhập khẩu hóa chất nhiều nhất trong nửa đầu năm 2012 là Trung Quốc, chiếm 27,1% tỷ trọng, tương đương 388 triệu USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước và thị trường lớn thứ hai là Đài Loan (Trung Quốc) với kim ngạch nhập khẩu là 23,6 triệu USD…
Ông Văn Huy Vương, chuyên viên Phòng quản lý tiền chất- Cục Hóa chất- cho biết, ngành công nghiệp hóa chất tại Việt Nam hiện còn rất non trẻ, chỉ mới sản xuất được một số ít loại hóa chất cơ bản như natri hydroxit naOH, acid sulfuric H2SO4, Javen, khí cl2... Các loại hóa chất công nghiệp chưa cung cấp đủ cho thị trường nội địa, chỉ đủ cung cấp để sản xuất phân bón và một số loại hàng hóa đơn giản. Hóa chất để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất dùng trong ngành y tế hầu như đều phải nhập khẩu.
Năm 2008, Luật hóa chất có hiệu lực; năm 2009 Cục Hóa chất thuộc Bộ Công Thương chính thức ra đời; năm 2010 các DN thuộc FDI được phép phân phối hóa chất tại Việt Nam. Việc luật hóa và nâng cấp trong khâu quản lý là một bước tiến lớn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hóa chất, tuy nhiên một số DN hiện khá bức xúc trong khâu cấp phép, quy định về vận chuyển, sản xuất, xuất nhập khẩu hóa chất.
Nhiều DN kinh doanh hóa chất FDI thắc mắc việc nhập khẩu, vận chuyển , phân phối hóa chất tiền chế bị kiểm soát chặt và kiến nghị cần thông thoáng hơn trong khâu cấp phép, quản lý. Giải đáp vấn đề này, ông Vương giải thích: việc cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu đối với tiền chất để làm nguyên liệu sản xuất trong công nghiệp (tiền chất này có thể dùng để điều chế ma túy) là mặt hàng kinh doanh có điều kiện vì vậy phải được sự đồng ý bằng văn bản của các cơ quan chống tội phạm về ma túy nên thời gian cấp phép lâu, phải qua nhiều cửa là cần thiết, nếu cấp phép dễ dãi thì hậu qủa xấu sẽ rất khó lường cho xã hội. Theo ông Vương, 2 năm trước số vụ kinh doanh các tiền chất liên quan đến điều chế ma túy tổng hợp trái phép bị công an phát hiện 600 vụ, năm 2012 chỉ có 7 vụ bị phát hiện.
Một số DN khác bức xúc về khó khăn trong khâu vận chuyển hóa chất độc hại vì không có giấy phép vận chuyển và không biết ai sẽ cấp giấy phép? Trả lời vấn đề này, ông Phùng Hà giải thích: vận chuyển hóa chất độc hại liên quan đến nhiều bộ ngành như công thương, khoa học công nghệ, môi trường vì thế việc cấp phép có phức tạp và khó khăn cho DN. Để giải tỏa khó khăn cho DN, theo ông Hà, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện là cơ quan cấp giấy chứng nhận (thay cho giấy phép) cho các DN đủ điều kiện để vận chuyển các loại hóa chất độc hại.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hà, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Hóa chất tại TP.HCM cho biết, hoạt động kinh doanh hóa chất tại khu vực miềm Nam chiếm 70% cả nước, các DN sản xuất kinh doanh hóa chất đa số đều rõ về thủ tục xuất nhập khẩu hóa chất, tuy nhiên trong thực tế không khỏi xảy ra những vướng mắc khi DN thực hiện. Để giảm thủ tục hành chính, tránh phiền hà và để tiếp sức cho DN trong khâu làm thủ tục cấp phép xuất nhập khẩu hóa chất, ngoài khai báo trực tiếp, khai báo điện tử (trực tuyến, online) đã được áp dụng. Cho đến thời điểm này, việc đăng ký cấp phép, giấy chứng nhận xuất nhập khẩu hóa chất qua mạng của Cục Hóa chất đã đạt đến cấp độ 4 (cấp độ 5 là cuối cùng có chữ ký điện tử), tuy nhiên việc xảy ra chậm trễ, sai sót là khó tránh.
Để thông thoáng trong khâu thủ tục giấy tờ, đăng ký, cấp phép, ông Phùng Hà cam kết, các DN FDI cứ trực tiếp gọi điện thoại, gửi email cho các bộ phận tiếp nhận của Cục Hóa chất để tháo gỡ ngay những khúc mắc mà DN cần.