Theo đó, mục tiêu của Quy hoạch là xây dựng ngành hóa chất có cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm như phân bón, sản phẩm cao su, hóa chất cơ bản, hóa dầu…; đầu tư phát triển công nghệ hóa chất trên cơ sở sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, bảo đảm môi trường sinh thái. Góp phần phân bố hợp lý lực lượng sản xuất theo ngành và theo vùng lãnh thổ, tạo nên sự phát triển cân đối, hợp lý trong ngành công nghiệp hóa chất, hình thành và phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hóa chất có quy mô lớn. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hóa chất bình quân từ 14% đến 16% và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt đến 14% vào năm 2020 và đạt khoảng 15% vào năm 2030.
Quan điểm phát triển: Phát triển công nghiệp hóa chất một cách bền vững, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;Phát triển công nghiệp hóa chất trên cơ sở huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguyên liệu trong nước; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài đối với các công trình có nhu cầu vốn lớn, đòi hỏi công nghệ cao mà trong nước chưa đáp ứng được; phát huy tiềm năng và thế mạnh của từng vùng, từng địa phương;Đầu tư phát triển công nghiệp hóa chất trên cơ sở sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành cạnh tranh, bảo đảm môi trường sinh thái.
Quy hoạch đã đề ra một số định hướng, mục tiêu quan trọng đối với từng nhóm sản phẩm cụ thể; trong đó:
Đối với phân bón: đáp ứng về cơ bản nhu cầu về phân bón các loại cho sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hướng tới xuất khẩu đối với một số loại phân bón trên cơ sở đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ các nhà máy sản xuất phân lân, phân NPK, phân hữu cơ và vi sinh hiện có, đầu tư thêm hoặc nâng công suất sản xuất phân diamoni photphat (DAP), phân kali, phân sunphat amon (SA). Tiếp tục đầu tư và cải tạo mở rộng nhà máy đạm Hà Bắc, nhà máy DAP số 2, nâng tổng công suất các nhà máy DAP lên 1.000.000 tấn/năm; nhà máy phân kali tại Lào công suất giai đoạn đầu là 320.000 tấn/năm, sau đó xem xét mở rộng, nâng công suất nhà máy trên lên 700.000 tấn/năm; các nhà máy phân bón NPK với tổng công suất từ 3,5 đến 4,0 triệu tấn/năm. Đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ nâng tổng công suất các nhà máy phân lân nung chảy lên khoảng 1,0 ÷ 1,2 triệu tấn/năm.
Đối với hóa dầu: đầu tư xây dựng các tổ hợp công nghiệp hóa dầu gắn liền với các nhà máy lọc dầu trong nước nhằm đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất các loại nhựa polyethylen (PE), polypropylen (PP); polyvinyl chlorid (PVC), polystyren (PS), acrylbutadien styren (ABS)... các phụ gia, bán thành phẩm làm nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp khác. Đầu tư xây dựng mới: Nhà máy sản xuất axit terephthalic (PTA) công suất 300.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất nhựa polystyren (PS) công suất 60.000 tấn/năm; các nhà máy: Xơ sợi tổng hợp polyeste công suất 270.000 tấn/năm và nhà máy nhựa polypropylen (PP) công suất 300.000 tấn/năm; nhà máy mono etylen glycol (MEG) công suất 200.000 tấn/năm; nhà máy nhựa polyvinylclorua (PVC) công suất 300.000 tấn/năm; nhà máy sản xuất methanol công suất 300.000 tấn/năm và các sản phẩm từ methanol; mở rộng nhà máy sản xuất chất hóa dẻo lên công suất 75.000 tấn/năm. Đầu tư xây dựng các nhà máy: Sản xuất PS công suất 100.000 tấn/năm; acrylonitrile butadiene styrene (ABS) công suất 100.000 tấn/năm và xơ sợi tổng hợp PET công suất 300.000 tấn/năm.
Đối với sản xuất dược phẩm phấn đấu đến năm 2020, đầu tư công nghệ hiện đại, đổi mới trang thiết bị và quản lý nhằm đáp ứng về cơ bản nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp dược; đồng thời, xây dựng mới một số nhà máy như: Nhà máy chiết xuất hóa dược có nguồn gốc thiên nhiên và bán tổng hợp công suất 150 - 200 tấn/năm; nhà máy sản xuất hóa dược vô cơ và tá dược thông thường công suất 200 - 400 tấn/năm; nhà máy sản xuất kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ I công suất 600 tấn/năm; nhà máy sản xuất một số thuốc thiết yếu khác (thuốc giảm sốt, thuốc giảm đau kháng viêm, thuốc kháng khuẩn) công suất 1.000 tấn/năm...
Đối với nhóm sản phẩm cao su: tập trung đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng các cơ sở sản xuất hiện có lên 15 triệu lốp ô tô các loại/năm; đầu tư mở rộng sản xuất cao su kỹ thuật tại các nhà máy hiện có và xây dựng mới các nhà máy sản xuất băng tải 700.000 m2 và dây cua roa bố thép, sợi thép 01 triệu m/năm; đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất than đen công suất 115.000 tấn/năm dùng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm cao su…
Giải pháp về thị trường: Hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm hóa chất trong nước đã sản xuất được, các sản phẩm kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường, trên cơ sở phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam khi tham gia WTO cũng như các cam kết quốc tế khác; tăng cường chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu; Đầu tư xây dựng, nâng cao năng lực của các cơ quan nghiên cứu thị trường hóa chất để có thể dự báo thị trường một cách chính xác và kịp thời; phát triển và sử dụng hiệu quả các phương tiện thông tin, công khai các chương trình xúc tiến thương mại hàng năm và các chương trình khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có định hướng sản xuất phù hợp; Khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm tới các địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Giải pháp phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ: Tăng cường nâng cao năng lực của các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành và các phòng kỹ thuật công nghệ của các công ty để có đủ khả năng tiếp cận và tổ chức nghiên cứu triển khai các công nghệ mới; Xây dựng cơ chế thích hợp nhằm phát huy hiệu quả của các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực hóa chất, hỗ trợ công tác nghiên cứu triển khai áp dụng các công nghệ hiện đại; Áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại đối với các dự án đầu tư mới; Tổ chức thực hiện tốt Luật chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng công tác thẩm định công nghệ, đảm bảo quyền lợi của bên bán công nghệ và các doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ.
Giải pháp bảo vệ môi trường: Các nhà máy đang hoạt động, các dự án đầu tư mới phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn hóa chất; đóng cửa các cơ sở sản xuất hóa chất sửdụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; Hạn chế tối đa việc hình thành các cơ sở sản xuất, chế biến hóa chất quy mô nhỏ. Ưu tiên phát triển các dự án hóa chất áp dụng các công nghệ mới, ít chất thải và thân thiện môi trường, các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tăng hiệu quả sử dụng nguyên liệu, và tái sử dụng tối đa các loại chất thải phát sinh trong quy trình sản xuất, chế biến các sản phẩm hóa chất; Có kế hoạch di dời, tập trung các nhà máy sản xuất hóa chất vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm quản lý tập trung giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường;Tiếp tục nghiên cứu nhu cầu thị trường và đánh giá sức chịu tải của môi trường ở những nơi quy hoạch các dự án hóa chất để điều chỉnh quy mô sản xuất.
Giải pháp đảm bảo nguồn nguyên liệu: Giải pháp cung cấp than và khí thiên nhiên: Lượng than và khí thiên nhiên cho sản xuất phân đạm sẽ do Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cung cấp, mặt khác phải chủ động tìm phương án nhập khẩu; Giải pháp đảm bảo nguồn nguyên liệu apatit: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm cung cấp đủ nhu cầu quặng Apatit cho sản xuất phân supe lân, phân lân nung chảy và phân DAP; Các nguyên liệu khác cho ngành công nghiệp hóa chất: Có kế hoạch cụ thể để sản xuất, nhập khẩu nhằm đáp ứng kịp thời, tránh tình trạng dự án, nhà máy phải tạm dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu.