Vượt khó hoàn thành chỉ tiêu
Năm 2013 tiếp tục là năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam nói chung và Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nói riêng. Nhưng Vinachem đã vượt khó để hoàn thành các chỉ tiêu. Cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 42.603 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2012. Doanh thu 44.102 tỷ đồng, tăng 0,2% so với năm 2012. Nộp ngân sách nhà nước 2.543 tỷ đồng, tăng 13,9% so với năm 2012, lợi nhuận đạt 2.730 tỷ đồng.
Vinachem đạt mốc sản lượng kế hoạch sản xuất phân bón các loại tương đương năm 2012, trong đó: supe lân đạt 982,3 nghìn tấn, bằng 97,3% so với năm 2012; lân nung chảy đạt 565 nghìn tấn, bằng 108,4% so với năm 2012; phân đạm urê trên 498,5 nghìn tấn, tăng 56,1% so với năm 2012; phân DAP đạt 225 nghìn tấn, bằng 78,9% so với năm 2012 và phân hỗn hợp NPK đạt gần 1,9 triệu tấn, bằng 96,6% so với năm 2012… Sản phẩm cao su cũng ghi dấu mốc ấn tượng với giá trị xuất khẩu ước đạt 61,6 triệu USD, tăng 16,2% so với năm 2012, chiếm tỷ trọng 26% tổng kim ngạch xuất khẩu của tập đoàn.
Điều tiết thị trường phân bón để tránh nhập khẩu
"Tuy cơ bản đạt các chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận, thời gian tới, Vinachem cần đặc biệt lưu tâm tới một số vấn đề liên quan trực tiếp tới sự “sống còn” của ngành" - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải -thẳng thắn.
Thứ nhất, với hóa chất, công nghệ phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Phó Thủ tướng đề nghị, với các dự án đầu tư mới, các dự án mở rộng dây chuyền… Vinachem cần kiên quyết sử dụng công nghệ tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thứ hai, đặc biệt chú trọng công tác ứng phó với sự cố hóa chất.
Cụ thể, công tác diễn tập ứng phó với sự cố cần được làm thường xuyên tại các đơn vị hóa chất để có thể nhuần nhuyễn xử lý khi có sự cố, tránh để xảy ra những thảm họa quốc gia. Thứ ba, với riêng ngành hàng phân bón, Phó Thủ tướng lưu ý, hiện lượng phân bón nhập khẩu vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi đó đa phần các chủng loại phân bón trong nước đã sản xuất được. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cần phải nhạy bén, điều tiết lại thị trường phân bón trong nước để giảm tối đa nhập khẩu.
Thứ tư, với chương trình sản xuất thuốc kháng sinh trong nước, Vinachem đã có những ưu đãi lớn để triển khai. Thế nhưng đến nay sau nhiều năm, dự án sản xuất thuốc kháng sinh trong nước vẫn… dậm chân tại chỗ!. Vinachem cần quyết liệt hơn ở chương trình này. Thứ năm, là một tập đoàn lớn nhất chuyên về kinh doanh hóa chất, thế nhưng lượng hóa chất cơ bản sản xuất trong nước đến nay cũng mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu. "Trong khi nhu cầu thị trường quá lớn, đề nghị các đơn vị trong Vinachem cần khẩn trương thúc đẩy hợp tác và sản xuất trong lĩnh vực hóa chất cơ bản" – Phó Thủ tướng chỉ đạo.